- Trường ca Thăng Long
- Trường ca Thăng Long - Quyển 1 - Phần 1
Trường ca Thăng Long - Quyển 1 - Phần 1
Trường ca Thăng Long - Quyển 1 - Phần 1
LỜI THƯA
Nếu nói đến kinh đô có một ngàn năm (1000)tuổi thì trên trái đất không phải là không có- nhiều hơn nữa cũng có. Nếu nói về một kinh đô đủ tiêu chuẩn về (địa lợi) hiểu theo nghĩa “phong thủy” lẫn nghĩa vị trí địa dư thì trên trái đất này ngoài Thăng Long, cũng không phải là không có.
Lại nói đến một kinh đô mà tự thân đã trải qua nhiều biến cố, nhiều cuộc bể dâu. Lại nói đến một kinh đô mà nơi có quy tụ được nhiều anh hoa của một nước…
Tuy nhiên, kinh đô Thăng Long của chúng ta, bên cạnh những điều đã nói trên, vẫn còn những nét đặc thù khác, khiến góp phần nổi trội. Trong đó có một đặc thù tiêu biểu nhất này. Một ngàn năm trước, song song với việc vua Lý dời đô về Đại La Thành để rồi gặp lại Rồng và đặt lại hiệu thành là Thăng Long, và việc đi thỉnh ba tạng kinh Phật về. Để cho từ đấy cả nước Văn Lang thấm nhuần Phật Đạo. Để từ đấy thêm nếp sống của Thăng Long. Bấy giờ và mãi mãi, thấm đẫm đạo Từ Bi. Dấu ấn của Bi- Trí- Dũngkhắc sâu trong đời sống của dân tộc Việt, của Thăng Long Thành, khiến nó giải mọi tai ương “độ nhất thiết khổ ách”.
Từ cội nguồn ấy mà bao nhiêu công oanh liệt, bao thành tựu văn hóa đã được hình thành, thể hiện những kì công kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, thi ca.
Tất cả kết nên thành một khúc đại hùng ca của Thăng Long Thành, của giống nòi Lạc Việt, như đã phản ảnh trong muôn một. Qua tập thơ bé mọn này.
Cẩn bút
Huỳnh Uy Dũng
TRƯỜNG CA THĂNG LONG
22/07/09- 02/06 năm Kỷ Sửu
Nếu có một kinh đô Văn Hiến
Với thiên thời địa lợi song song
Với cả một nhân hòa vinh hiển
Kinh đô này tên gọi: Thăng Long
Nếu có một trường ca Văn Hiến
Đẹp nghìn năm thẳm biển dài sông
Đôi cánh hạc bạch hào uyển chuyển
Trường ca này tên gọi: Thăng Long
Nếu có một bình minh Văn Hiến
Tự muôn xưa vọng tiếng trống đồng (10)
Trên cõi đất Đại La Thành hiện
Một bình minh tên gọi: Thăng Long
Nếu có một chiếc nôi Văn Hiến
Điệu ru con xao xuyến Tiên Rồng
Đan tâm ấy nghìn năm nhất phiến
Chiếc nôi này tên gọi: Thăng Long
Nếu có một mùa xuân Văn Hiến
Kết tinh bao hương sắc Lạc Hồng
Thi, nhạc, họa ngời ngời thánh điển
Mùa xuân này tên gọi: Thăng Long (20)
Nếu có một giang sơn Văn Hiến
Anh linh ơi! Sông Nhị núi Nùng
Thần Tiên Thánh Phật tròn thực hiện
Giang sơn này tên gọi: Thăng Long
Nếu có một trái tim Văn Hiến
Một trái tim- vâng, một Cõi Lòng
Ơn Cha nghĩa Mẹ tròn non biển
Trái tim này tên gọi: Thăng Long
Nếu có một tổng đề Văn Hiến
Một tổng đề tổng hợp mênh mông (30)
Trong mỹ ấy tuyệt vời chân thiện
Tổng đề này tên gọi: Thăng Long
Xưa, trên đất Đại La Thành
Đã từng có cổ rồng đoanh đất liền
Rồng đoanh kiến long tại điền
Để rồi phi long tại thiên lẫy lừng
Đại La rồng ngự điền trung
Long tàng hổ phục đẹp vùng Phong Khê
Đại La Thành, Phong Khê đất cũ
Nơi rồng tiên kết tụ anh linh (40)
Đã non đã nước hữu tình
Đã Sơn Tinh lại Thủy Tinh, Nhị Nùng
Non nước đã vô cùng thanh tú
Lại thêm long mạch ủ Giao Châu
Hẹn ngày thịnh vận dài lâu
Nam Thiên Nam Đế kim âu rỡ ràng
Nhớ một thuở Văn Lang nước cũ
Suốt ngàn năm bị lũ cuồng xâm
Vẽ vời kế độc mưu thâm
Chặn nguồn long mạch hùng tâm Việt Thường (50)
Nhưng nòi giống kiên cường Lạc Việt
Dễ chi cam mãi kiếp tôi đòi
Đường Lâm đứng dậy một người
Phất cờ độc lập dựng đời tự do
Ngô, Đinh, Lý… cơ đồ đã vững
“Chiếu Dời Đô” đã chứng cho minh
Từ Hoa Lư thuộc Ninh Bình
Dời đô về Đại La Thành từ đây
“Thiên Đô Chiếu” tỏ bày thánh ý
Vì sao dời đô thế ? Vì chưng (60)
Một là: thắng địa vô song
Hiên ngang ngọa hổ tàng long đất này
Hai là: đất ở ngay tâm điểm
Giữa bốn phương thị hiện long uy
Ba là: thế đất phương phi
Đã cao lại sáng kém chi Nhược Bồng
So tất cả núi sông Lạc Việt
Chẳng nơi đâu ưu việt cho bằng
Rõ ràng địa lợi đa năng
Xứng ngôi xứng vị vinh thăng vạn đời(70)
Nay nương ý những người đi trước
Những bậc hiền thánh suốt thiên thu
Cầu lạc nghiệp, phải an cư
An cư ấy thực căn cơ chắc bền
Để cho nghiệp vươn lên mà lạc
Cho ngàn đời Âu Lạc âu ca
Cho ấm no khắp mọi nhà
Cho Kim Âu vững một tòa kim cương
“Chiếu Dời Đô” một chương gấm vóc
Ban bố cùng lối dọc đường ngang (80)
Gọi người dân nước Văn Lang
Theo xe vua ngự dời sang La thành
Đúng thế! “Cuộc hành trình cửa vũ”
Vượt vũ môn cá nọ nên rồng
Đại La thành hóa Thăng Long
Thập mục sở thịcánh rồng vươn mây
Thì ra đất La này vốn sẵn
Ngọa long kia từng dặm địa linh
Chỉ cần một thoáng duyên xinh
Là ngọa long thoắt trở mình xanh mây (90)
Năm: ngàn lẻ mười (1010) đầy kỷ niệm
Mở kỷ nguyên vinh hiển đại hùng
Nước nhà gặp vận Thăng Long
Ngàn năm sau vẫn biếc rồng xanh mây
Hôm nay kỷ niệm ngày lịch sử
Thủ đô ta vừa đủ ngàn năm
Ngàn năm hội mở hoa đăng
Ngàn năm quạt gió đèn trăng thuận tùy
Ngàn năm cuộc trường kì kháng chiến
Chống bao tên giặc tiến công hoài (100)
Một, quân xâm lược giặc ngoài
Lũ bầy lang sói đông đoài tứ phương
Hai, lũ giặc trong xương trong tủy
Giặc quan liêu thống trị bá quyền
Bất công xã hội nhãn tiền
Khiến kiếp người chẳng thấy quyền người đâu
*Nhược bồng: non bồng nước nhược, chỉ cảnh tiên
*Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ
Thập:Mười, hoàn toàn. Mục: mắt. Sở: cái ấy. Thị: thấy, nhìn. Thủ: tay. Chỉ: ngón tay, chỉ điểm.Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ là: mười mắt nhìn vào, mười tay chỉ vào. Ý nói: việc rất rõ ràng, mọi người đều thấy và biết, không thể chối cải được.
Ba, lũ giặc ẩn sâu nhiên giới
Những thiên tai hành tội con người
Khiến cho cái gọi cuộc đời
Thoắt trở thành ngục tối nơi Nhân Hoàn (110)
Bốn, tên giặc hung tàn rất mực
Bóng đêm trong tâm thức con người
Nó che ánh sáng tuyệt vời
Của chân thiện mỹ khiến đời tối tăm
Bốn tên giặc hung hăng lớn lối
Nó làm tình làm tội nhân sinh
Khiến nhân dân nước Việt mình
Suốt ngàn năm bận chiến chinh không ngừng
Cuộc chiến đấu vô cùng vinh hiển
Cuộc trường kì kháng chiến vô song (120)
Tự ngàn năm đất Thăng Long
Vẫn vươn mây vượt cổ rồng tâm linh
Với năm móng tượng hình năm đức
Một là Nhân: tâm thức vị tha
Năm châu bốn biển một nhà
Thương người như thể thương ta đại đồng
*Nhân hoàn: trần gian,cõi thế
Hai là Nghĩa: thủy chung như nhất
Đó là điều chi rất con người
Sắc son không đổi không dời
Quang minh như thể mặt trời mặt trăng (130)
Ba là Lễ: đạo hằng giữ mối
Có đầu đuôi, trên dưới, trước sau
Lễ nghi trang điểm địa cầu
Kỷ cương khéo dựng ngõ hầu văn minh
Bốn là Trí: chí linh, chí diệu
Giúp con người thấu hiểu uyên nguyên
Tới lui đúng lẽ kinh nguyền
Ở ăn khế hợp với thiên lương này
Năm là Tín: lời hay lẽ thật
Nói một lời là thật một lời (140)
Tín ngôn, tín ngữ tuyệt vời
Tín tâm, tín đức, đạo người Phương Đông
Ôi! Năm móng tượng rồng Âu Lạc
Thang Long thành bát ngát Văn Lang
Nắng soi năm móng rực vàng
Tự trong bản chất vốn đang là mình
Thiên nhân địa khéo linh, khéo ứng
Vận sơn hà khéo chứng khéo tri
“Chiếu Dời Đô” viết một khi
Xe dời đô chuyển một khi lên đường (150)
Thì “Rồng Việt” còn đương say giấc
Trong sâu lòng mạch đất anh linh
Chợt nghe tiếng gọi đăng trình
Của vua Lý gọi dân mình dời đô
Bèn thức giấc đương cơ thị hiện
Bay vượt lên uyển chuyển tầng xanh
Tượng hồn Lạc Việt tinh anh
Tượng tâm Lạc Việt chí thành thiên thu
Dấu ấn cuộc dời đô như thế
Mở ra chiều: cao; kế; sâu; xa(160)
Cao, vì nối với bao la
Sâu, vì nối với hải hà thâm uyên
Và xa! Tới vô biên vô tận
Đi tới hoài những dấn thân kia!
Không dừng bước lại mà chi
Cứ ôn cố thế để tri tân hoài
*Ôn:Học lại bài vở. Cố: xưa, cũ, chuyện xưa. Tri: biết. Tân: mới.
Ôn cố tri tânlà xem xét lại những điều xưa cũ thì biết được nhiều điều mới.
Ôi! Những bước hoằng khai trí tuệ
Mở đường lên diệu đế tâm linh
Từ Thăng Long Đại La Kinh
Mà nam thiên nhất trụ hình thành sen!(170)
Đất nước trải nhiều phen đổi họ
Lý qua Trần, Trần nọ qua Lê
Dù bao biến dịch dường kia
Thăng Long vẫn vững lời thề nước non
Sông Nhị đó vững tròn viên nguyệt
Núi Nùng kia vẫn biếc thanh vân
Bao đời linh địa kiệt nhân
Võ công văn nghiệp mười phân vẹn mười
Lý Thái Tổ hoằng khai Công Uẩn
Dựng hoàng thành, mưu trấn Bắc Phương (180)
Tam Rùng thành quách biên cương
Vòng Ngoài, Vòng Giữadựng phường phố dân
Vòng Ba- hoặc Vòng Trong- cấm địa
Là nơi dành cho Lý hoàng gia
Thành khai bốn cửa vào ra
Đông tây nam bắc hợp hòa tứ phương
Qua bao cuộc tang thương biến đổi
Cung điện xưa còn mỗi dư âm
Trong trang lịch sử âm thầm
Điện Càn Nguyên dựng trung tâm núi Nùng (190)
Bên điện Tập Hiền cùng Giảng Vũ
Vọng một thời cẩm tú triều dương
Cũng vì vụ “Loạn Tam Vương”
Mà bao cung điện khai sơn điêu tàn
Để, qua năm một ngàn hai chín (1029)
Thăng Long Thành nhất điện trùng tu
Trên nền điện Kính Thiên xưa
Dựng Thiên An điện nơi vua thiết triều
Bao cung điện sớm chiều dựng lại
Tỏa tinh thần phong thái Văn Lang (200)
Hàng hàng lầu các phong quang
Lại thêm miếu bạc chùa vàng nguy nga
*Loạn Tam Vương
Ngày 1 tháng 3 năm Mậu Thìn(1028), Lý Thái Tổmất. Triều thần đến cung Long Đứcđón thái tửLý Phật Mã lên ngôi, ba hoàng tử con Lý Thái Tổ và: Đông Chinh vương, Dực Thánh vương, Vũ Đức vươngkéo quân vây kinh thànhThăng Long. Bấy giờ các quan là bọn Lý Nhân Nghĩaxin Thái tửcho đem quân ra thành quyết được thua một trận. Khi quân của Thái tửvà quân các vương đối trận, thì quan Võ vệ tướng quân là Lê Phụng Hiểurút gươm ra chỉ vào Võ Đức Vươngmà bảo rằng:" các người dóm ngó ngôi cao, khinh dể tự quân, trên quên ơn tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vậy phụng hiểu xin dâng nhát gươm này!". Nói xong chạy vào chém Võ Đức Vương ở trận tiền. Quân các vương trông thấy sợ hãi bỏ chạy cả. Dực Thánh Vươngvà Đông Chinh Vươngcũng phải chạy trốn.
Thăng Long mới Đại La thành cũ
Nơi tàng long ngọa hổ ngàn năm
Trong veo một bóng trăng rằm
Cho bài thơ tuổi mười lăm ngọc ngà
Ngoài cung điện nghìn tòa kiến trúc
Thăng Long thành còn vút thăng hoa
Một nền văn hóa nguy nga
Với trang sử Lý triều qua Trần triều (210)
Với những trang “Thần Chiêu” thắng sử
Khi Thăng Long đem chữ Tâm Kinh
Là nguồn sức mạnh Tâm Linh
Dẹp tan Mông Cổ trường chinh địa cầu
Quân Mông Cổ đánh đâu thắng đó
Cả địa cầu dưới vó Hung Nô
Chỉ riêng mỗi một cơ đồ
Hãy còn đứng vững: kinh đô đại hùng
Kinh đô của vua Trần uy vũ
Trần Nhân Tông Điều Ngự Giác Hoàng (220)
Vị vua Hoạt Phật trần gian
Hiện thân Bi, Trí, Dũng Nam Phương này
Nhớ thuở nọ, cách đây sáu kỷ
Cõi Thăng Long hội nghị Diên Hồng
Tinh thần dân chủ phương đông
Tinh thần bình đẳng sắc không Phật Đà
Tinh thần lấy muôn nhà làm một
Lấy muôn dân làm cột làm rường
Lấy Phật tính làm quê hương
Kết nên một khối kim cương Đại Hùng (230)
Câu hỏi lớn: “giặc Mông Cổ mạnh”
Hỏi nhân dân: “ta đánh hay hàng”
Muôn dân- bô lão Hồng Bàng
Hiện thân trí tuệ Văn Lang toát vời
Cả trăm miệng một lời “Quyết Đánh”
Đánh để gìn đạo thánh Mâu Ni
Để gìn quê mẹ lưu ly
Để gìn chánh nghĩa từ bi rạng ngời
Lại câu hỏi: “giặc mười ta một
Hỏi lấy gì làm chước đấu tranh?” (240)
Trả lời: “lấy Đức Hy Sinh
Cộng thêm Nhẫn, Tuệ ắt thành đại công”
Và quả thế, Thăng Long thuở ấy
Đã một phen đứng dậy mà đi
Một cuộc đi thật thần kì
Rõ ràng châu chấu đá xe! Tuyệt vời!
Một cuộc đi ngàn đời có một
Cả địa cầu có một Văn Lang
Trước cơn lũ quét tan hoang
Mỗi còn đứng vững có “Tràng An kia” (250)
Vì sao thế! Có chi đâu nhỉ?
Cũng chỉ vì bất nhị quân dân
Bất nhị quân, bất nhị thần
Vua tôi là một: nhất chân đồng bào
Dẫu đời có trước sau, trên dưới
Nhưng tâm chung một cội một nguồn
Đời Trần thể hiện yêu thương
Vua, tôi như thể thịt xương chung tình
Nên dân mới hy sinh cho nước
Vua mới chung nguyền ước với dân (260)
Và từng đoàn kết tương thân
Đã chung đúc những chiến công thần kì
Hội Diên Hồng phát huy chính nghĩa
Quân dân ta nhất trí một lòng
Mở tiền đề của thành công
Của kì công của chiến công vạn đời
Võ văn ấy sáng ngời non nước
Cho Thăng Long tung vượt ngàn mây
Một ngàn năm thế rồng bay
Vững ngời giữa cõi tâm này Lạc Long (270)
Hai Long ấy cùng song song thế
Một là Thăng Long địa anh hoa
Hai là Long- Lạc Long cha
Bên Âu Cơ mẹ hợp hòa Rồng Tiên
Trần tiên tỏa khí thiên long địa
Rạng ngời chân thiện mỹ văn minh
Rỡ ràng nhân kiệt địa linh
Thiên thu còn vọng lời kinh Giác Hoàng
Bên bến sông Bạch Đằng vang dội
Sông Nhị Hà sôi nổi Hùng Tâm (280)
Núi Nùng phơ phất Tần vân
Tiễn đưa những bước Huyền Trân dặm ngàn
*Địa anh hoa: chỉ vùng đất tốt đẹp nhất
Thăng Long thành chứa chan tú khí
Sinh ra em bất nhị đài sen
Sinh cô tố nữ sau rèm
Bước đi mỗi bước hồng sen trên đường
Ôi! Những bước trầm hương phúc tuệ
Bước trung trinh hiếu để Huyền Trân
Một lòng vì nước vì dân
Hai châu Ô Lý mười phân vẹn mười (290)
Gương Bồ Tát sống đời vui đạo
Nhớ thuở nào khoác áo thiền sư
Từ non Yên Tử thâm u
Nhưng đinh ninh nguyện vô ưu Niết Bàn
Song, trước nỗi lầm than đất nước
Khi giặc Nguyên xâm lược thừa cơ
Lẽ nào bỏ phận làm vua
Mà vui với cõi hư vô riêng mình
Đành dứt áo đoạn tình cõi Bụt
Trở về cùng vận nước phong ba (300)
Nên ngôi vua- có nghĩa là
Nghiêng vai gánh lấy Sơn Hà ngả nghiêng
*Tú khí: thanh tú, tốt đẹp
Rồi góp sức viết nên trang sử
Vô song trên toàn bộ Giao Châu
Vô song trên cả địa cầu
Cho Thăng Long mãi đẹp câu anh hào
Song, bên cái dũng cao như núi
Cái trí cao vời vợi như non
Còn thêm một nét vàng son
Cái tâm bi mẫn vuông tròn chúng sanh (310)
Cam cao tăng cho mình cho nước
Giúp giống nòi nhẹ bước về Nam
Bước chân công chúa đoan trang
Bông sen đẹp nhất của Tràng An xưa
Đi là bỏ cung vua điện chúa
Đi là rời đất tổ quê cha
Đi là xa nước xa nhà
Đi là để nhớ Sơn Hà nước Nam
Mỗi bước đi, một hàng lệ nhỏ
Huyền Trân ơi! Hiếu nọ tình kia (320)
Thăng Long một mái tóc thề
Thăng Long một bóng trăng thề… ngàn năm
Thăng Long một gương rằm lẻ một
Một ngôi Chùa Một Cột không hai
Thăng Long một bước tiên hài
Thăng Long một áng vân đài Huyền Trân
Từ vua Lý rời chân từ chốn
Hoa Lư kia cuồn cuộn cờ lau
Về nơi long mạch nghìn thâu
Nơi tứ bất tử xưa sau-vạn đời (330)
Ai quên được con người vĩ đại
Chú Bé thơ thần thoại nhân gian
Trong hư có thực muôn vàn
Thực mà hư- để thực càng thực hơn
Ai quên được Thiên Vương Phù Đổng
“Chú Bé” trong đời sống tâm linh
Của dân tộc Việt Nam mình
Một dân tộc của nòi tình Lạc Long
“Với mẹ Tiên cha Rồng trăm trứng”
Chú bé là Phù Đổng Thiên Vương (340)
Một làng thuộc Bắc Ninh xưa
Bên dòng Sông Đuống, cõi bờ Thăng Long
Thuở ấy thời Vua Hùng thứ sáu
Lũ giặc Ân cuồng bạo xâm lăng
Bấy giờ “Chú Bé ba năm”
Trước ba năm chẵn, chỉ nằm trong nôi
Thoắt ngồi dậy, rời nôi đứng dậy
Cất lời thưa: mẹ hãy xin vua
Một ông ngựa sắt thật to
Kèm roi giáp sắt dành cho con dùng (350)
Để đánh đuổi giặc Ân xâm lược
Đoạn, sau khi chén một bữa cơm
Vô cùng thịnh soạn tinh tươm
Ba nong cà, bảy nong cơm. Tuyệt vời!
Lại nóc cạn một hơi hồ nước
Rộng mênh mông phía trước cửa nhà
Rồi vỗ bụng, úm ba la
Vươn vai một cái, cao ba con sào
Rồi ba bước nhảy ào lên ngựa
Xông một lèo tới chỗ giao tranh (360)
Vung roi mặc sức tung hoành
Đánh cho lũ giặc tan thành bụi tro
Trong trận chiến bất ngờ roi sắt
Gãy làm đôi-và giặc thừa cơ
Xông lên như nước vỡ bờ
Bấy giờ Thánh Gióng cũng thừa cơ duyên
Mà cúi xuống nhổ luôn một bụi
Tre đằng ngà lớn trội mười ôm
Vung lên ngay giữa sa trường
Quét một quét sạch mười phương quân thù (370)
Dẹp xong giặc không chờ không đợi
Thẳng một lèo lên núi Sóc Sơn
Rồi chào đất mẹ quê hương
Rồi bay về cõi thiên đường xa xăm
Từ ấy cứ hàng năm lễ hội
Tưởng niệm người đánh đuổi giặc Ân
Hội mừng nô nức muôn dân
Với con ngựa trắng với ông hiệu cờ
Ngựa trắng tượng trưng cho linh khí
Cờ đỏ thì tượng ý nhân sinh (380)
Tháng tư lễ hội linh đình
Đền thờ Thánh Gióng lung linh vạn đời
Thăng Long thành ấy nơi quy tụ
Bao đền thờ miếu Vũ trang nghiêm
Nào đền đức thánh Tản Viên
Nào đền Liễu Mẫu nào đền Chử Quân
Riêng đền Thánh mười phân trang trọng
Với tượng thờ Phù Đổng hiên ngang
Tượng cao ba thước ngang tàng
Hai bên văn võ sáu quan đứng hầu (390)
Đền hiện tại còn lưu hai mốt (21)
Đao sắc phong xuyên suốt ba triều
Lê, Tây Sơn, Nguyễn nọ- đều
Qua tờ phong sắc tỏ điều tri ân
Đối với bậc thần nhân cứu nước
Phản ánh tinh thần một giống dân
Sống trong nếp sống kiệm cần
Nong cà cũng đủ nuôi thân anh hào
Lại tinh thần khát khao khoa học
Ngựa sắt kia làm mốc văn minh (400)
Giúp đời cải thiện nhân sinh
Lại thêm giúp nước giữ Kinh cõi bờ
Đền Phù Đổng hiện giờ còn giữ
Chiếc ngai thờ từ thuở Trưng Vương
Ngai thờ chạm trổ kỳ công
Biểu trưng nghệ thuật Tiên Long đặc thù
Bên những vũ khí xưa ngàn tuổi
Hãy còn đôi liễn đối Tố Như
Ngoài cái đẹp của lời thơ
Còn cái đẹp của chữ như Phượng Rồng (410)
Ôi! Cõi đất Thăng Long tú khí
Kể làm sao hết ý tâm linh
Một ngàn năm ngọc kết tinh
Những cành Dao những cành Quỳnh Phong Châu
Tứ bất tử nhiệm mầu oai lực
Cũng chính là tâm thức Văn Lang
Cái tâm thức của đá vàng
Cái tâm thức của hiên ngang tự hào
Cái tâm thức rạt rào nhân ái
Như “nhiễu điều phủ lấy giá gương” (420)
Cái tâm thức nó kim cương
A Di Đà Phật thiên lương rạng ngời
Ngoài Thánh Gióng con người thần thoại
Còn bao gương vĩ đại rất người
Những thiền sư đẹp nụ cười
Những trung thần đẹp gương đời trung trinh
Những thi nhân đẹp tình non nước
Những chinh phu đẹp bước quan hà
Ôi! Vô lượng những cánh hoa
Rạng ngời bốn đức mặn mà mười thương (430)
Những dấu ấn kim cương một thuở
Cõi thiền môn mở cửa tâm linh
Những bằng chứng của vô sinh
Chùa xưa còn đó tượng hình nhục thân
Trên khắp cả cõi trần băng hoại
Hỏi mấy ai trường tại như nhiên
Như hai di thể tọa thiền
Qua bao thế kỷ vẫn nguyên như là
Điều ấy nói rằng Hoa Linh Thoại
Đã từng phen nở tại Thăng Long (440)
Với hai nhục thể sư ông
Kim thân bất hoại kỳ công việc thiền
*Quan hà: cửa ải và sông; dùng để nói sự xa xôi cách trở.
*Hoa Linh Thoại: là một loài hoa quý được ghi lại trong sử sách, một ngàn năm mới nở một lần, khi hoa nở là báo hiệu một điềm lành cho nhân loại.
Như hình ảnh Nam Thiên Nhất Trụ
Nói lên niềm linh tú non sông
Hai hình ảnh khéo song song
Dáng sen duyên hựu bóng Rồng Đại La
Hễ nói đến gấm hoa triều Lý
Là triều vua khai thị Thăng Long
Làm sao quên được kỳ công
Của hai nhân vật anh hùng, anh thư(450)
Bậc anh hùng thờ vua giúp nước
Với lục thao tam lượcai bì
Một đời sinh một Sử Thi
Bình Chiêm phá Tống uy nghi một đời
Lý Thường Kiệt danh người trường tại
Với Thăng Long vạn đại bi hùng
Bình Chiêm phá Tống lẫy lừng
Sáu mươi năm hiển hách công rạng ngời
Lục thao, Tam lược. Đây là hai bộ sách thuộc về binh pháp cổ Trung Hoa.
*Lục thao gồm: - Văn thao: dạy cánh thu phục nhân tâm,
- Võ thao: dạy cách định thiên hạ, giữ nước,
- Long thao: dạy cách kén chọn tướng,
- Hổ thao: dạy cách hành quân, tiến thoái động tĩnh theo thiên lý.
- Báo thao: dạy cách chiến đấu với địch, theo trạng thái biến hóa của địch.
- Khuyển thao: dạy cách huấn luyện quân sĩ.
*Tam lược: là mưu lược đánh trận gồm:
- Tướng lược: là mưu lược làm tướng,
- Quân lược: là mưu lược của quân sĩ,
- Trận lược: là mưu lược đánh trận.
Hăm bốn động một thời quy thiện
Cả năm châu, sáu huyện, ba nguồn (460)
Qua đời vua Lý Thánh Tông
Đến thời vua Lý Nhân Tông…lại càng
Lý, khi đó đương làm thái úy
Phò Nhân Tông tức vị ngai vàng
Lý triều ngày một vẻ vang
Lại thêm thái hậu Ỷ Lan khuông phù
Cho Đại Việt nghìn thu bất tử
Kế “lấy công làm thủ cao minh”
Lẫy lừng mười vạn tinh binh
Chia hai mũi tiến đánh thành Ung Châu (470)
Quét một trận sạch làu thành giặc
Cho bá quyền phương Bắc kinh man
Một phen thử lửa thử vàng
Mới hay Đại Việt phương Nam anh hùng
Bên cạnh đấng anh hùng Đại Việt
Bậc anh thư nhất tuyệt trên đời
Ỷ Lan, thôn nữ tuyệt vời
Ỷ Lan hoàng hậu tuyệt vời Nam phương
*Khuông phù: phò trợ, giúp đỡ,ủng hộ một triều đại (cũ)
*Ung châu:là một căn cứ xuất phát để đánh Đại Việt thời nhà Tống(Trung Quốc)
Tổ quốc mãi thêm hương quốc sử
Đó, dáng người phụ nữ kiên trung (480)
Đằng sau vĩ nghiệp anh hùng
Nữ trung hào kiệt nữ trung anh hào
Cô thôn nữ ngày nào cơ khổ
Sống bằng nghề dệt lụa quay tơ
Ngày vua cầu tự lên chùa
Bốn phương thiên hạ nức nô xếp hàng
Riêng người đẹp của làng Thổ Lổi
Vẫn an nhiên tựa cội lan vườn
Xem như mọi chuyện bình thường
Phong cách nọ khiến đế vương nể vì (490)
Bèn vời lại một khi thăm hỏi
Để được nghe lời nói đoan trang
Thốt bằng giọng nói đoan trang
Rõ ràng một đóa Tiên Long trên trần
Bèn lệnh rước Tiên Nhân đồng nội
Về Thăng Long bạn với quân vương
Ỷ Lan từ ấy tên nàng
Phu nhân từ ấy phận nàng bên vua
Sử chép rằng ngay từ buổi nọ
Ỷ Lan đà chứng tỏ lương năng (500)
Ngoài phần hầu hạ gối chăn
Nàng còn tranh thủ siêng năng học hành
Để sớm hội cho mình tứ đức
Công dung ngôn hạnh thật viên toàn
Từ đâu có một Ỷ Lan
Ra, tự sức sống bạt ngàn Thăng Long
Sức sống ấy như rồng bay vượt
Từ khí linh non nước Văn Lang
Hạt nhân sức sống nhân gian
Cái tung hô, cái bạt ngàn nhân sinh (510)
Cái tươi khỏe, cái trinh cái hạnh
Cái tiền đề công hạnh ngôn dung
Thiên thu sông Nhị núi Nùng
Kết tinh trong một bông hồng anh hoa
Từ một bước vượt qua cửa vũ
Cá gáy kia, cô thôn nữ này
Vươn lên giữa hội rồng mây
Thắp đèn thâu tháixưa nay đạo người
*Đèn thâu thái: thâu thái có nghĩa là góp nhặt lại,(thường nói về văn hóa, tri thức)
Đèn Thâu Thái: ý nói đèn tri thức.
Để bủa đức khắp nơi khắp chốn
Cho nở hoa rau muống bờ xuân (520)
Tỏa ngời chín sắc tương lân
Xóa xu xóa thuế cho dân mất mùa
Lại xuất của công mua chuộc lại
Những cơ mang phận gái nô tỳ
Bị cha mẹ nghèo bán đi
Phục hồi nhân phẩm cho về kết hôn
Cả một khối tình tương lân nọ
Của những người cùng khổ cùng đau
Cùng nơi cắt rốn chôn nhau
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay (530)
Triều vua Lý những ngày hưng thịnh
Triển oai thần bình định phương Nam
Kỳ công nhất chính Ỷ Lan
Nghìn năm tạc đá ghi vàng sử xanh
Ôi! Cõi đất địa linh nhân kiệt
Nói sao cho hết những lời thơ
Thưa, đâu phải sự tình cờ
Nghìn năm tiếng mẹ, triệu tờ chữ Nôm
Hồn dân tộc thơm hương ngát vị
Điệu thơ Nôm thủ thỉ Hàn Thuyên (540)
Bên cung ngủ, thức triền thiên
Là cung lục bát triền miên điệu vần
Ngoài một Trần Nhân Tông thi sĩ
Đưa thơ Nôm lên vị trí thiền
Còn bao thi thánh thi tiên
Thi thần thi Bụt khắp miền Thăng Long
Sao quên được những vần hào khí
Trần Khánh Dư vịnh kẻ bán than:
“Một gánh kiền khôn quảy xuống ngàn
Hỏi chi bán đó? Gởi rằng than (550)
Ít nhiều miễn được đồng tiền tốt
Hơn thiệt nài bao gốc củi tàn
Ở với lửa hương cho trọn kiếp
Thử xem sắt đá có bền gan
Nghĩ mình len luốc toan nghề khác
Song ngại trời kia lắm kẻ hàn”
Nhưng vẫn nén ngọc gieo vàng
Hạo nhiên khí tỏa cung đàn nam nhân
Chữ dung dị như gần như gũi
Mà thầm thì vươn tới Đẩu Ngưu(560)
Khác chi long mã long câu
Tung bốn vó vượt nghìn dâu biển trời
Thơ ấy chính lòng người vận nước
Một khi thơ mà vượt Tràng Giang
Mà vượt thập vạn đại san
Thì lòng người, vận nước càng hiển linh
Mà thơ của nước mình thuở ấy
Của Thăng Long thành ấy thuở xưa
Thì bừng hạo khí đương cơ
Xênh xang nhật nguyệt, ngọn cờ rồng bay(570)
Lý, Trần, Lê đẹp thay hồn nước
Lê Thánh Tôn thơ vượt Nùng sơn
Hào hùng áng áng thơ Nôm
Câu thơ Nguyễn Trãi điệu đờn Thăng Long
Côn Sơn có suối nước trong
Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm
Ức Trai viết Quốc Âm Thi Tập
Tiếng nước Nam hồn Phật mênh mông
*Dung dị: bình thường và giản dị
*Thập vạn đại san:thập;mười. vạn;10ngàn, đại; lớn. San; núi. Chỉ sự gian nan cách trở trùng trùng.
Ảnh nước non in một đóa hồng
Chẳng nhơ chẳng bợn Bụt là lòng (580)
Chiều mai nở chiều hôm lại rụng
Sự lạ cho hay tuyệt sắc không
Kinh rằng sắc tức thị không
Thơ rằng sự lạ tuyệt không sắc này
Hoa ảnh ấy, chăng hay nghĩa sống
Có mà không lồng lộng huyền vi
Bài thơ tứ tuyệt lâm li
Chở chuyên thực chứng Mâu Ni não nùng
Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Mối thù nhà thi thiết khôn khuây (590)
Lại thêm nợ nước sâu dầy
Thăng Long ơi! Bóng rồng bay tịt mù
Vì không có nhân như thế thế
Nhân là dòng dõi thế gian kia
Thung Huyên vạn vẻ đôi bề
Trần là họ mẹ Nguyễn là họ cha
*Thung:là loại cây to sống lâu năm, nên được ví với người cha vì con cái muốn cho cha sống lâu.
* Huyênlà cỏ huyên, chỉ người mẹ. Thung đường là nhà thung, chỉ người cha.Huyên đường là nhà huyên, chỉ người mẹ.Thung huyên là chỉ cha mẹ.
Lại chẳng có Đại La linh địa
Nơi kết tinh đôi vế Tiên Rồng
Tiên cho thẳm biếc lam hồng
Rồng cho dạ thép gan đồng hạo nhiên(600)
Lại như chẳng có thêm duyên hóa
Ấy là cơn quốc phá gia phong
Để nung nấu chí anh hùng
Vì chân quốc nạn thất trung nghĩa thần
Phải ngần ấy những nhân duyên lớn
Mới hình thành bậc đại trượng phu
Đan tâm nhất phiếnngàn thu
Bình Ngô Đại Cáo một tờ tuyên ngôn
Nói lên cái quốc hồn Đại Việt
Cái tinh thần tự quyết Văn Lang(610)
Sống hào hùng sống vinh quang
Đội trời đạp đất hiên ngang Tiên Rồng